Xã Vĩnh Lại tổ chức Lễ tế Đền Lời xuân Quý Mão 2023
Sáng 6/3, tại khu di tích Quốc Gia Đền Lời UBND xã Vĩnh Lại tổ chức Lễ tế xuân 15/2 năm Quý Mão 2023. Tới dự có lãnh đạo một số cơ quan thuộc huyện, lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương và đông đảo nhân dân trong và ngoài xã.
Thực hiện nghị quyết của BCH Đảng bộ xã về tổ chức các hoạt động lễ hội năm Quý Mão 2023. Sáng ngày 6/3 tức ngày 15 tháng 2 năm Quý Mão, tại khu di tích Quốc Gia đền Lời xã Vĩnh Lại. UBND xã cùng với BQL di tích quốc gia đền Lời tổ chức lễ tế xuân năm Quý Mão 2023, về dự lễ tế xuân có các đại biểu, lãnh đạo cơ quan, phòng ban chuyên môn huyện: đồng chí Nguyễn Thị Lý – Phó trưởng ban dân vận huyện ủy Lâm Thao; đồng chí Nguyễn Thị Minh Xuân - Giám đốc trung tâm VHTT&DL huyện; Bà Vương Thủy Vân - Phó trưởng phòng VH&TT huyện Lâm Thao. Về phía lãnh đạo địa phương có các đồng chí: Cao Ngọc Hoành – Bí thư Đảng ủy xã; đồng chí Đoàn Minh Huân – Phó bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã; đồng chí Đào Bình Soi – P.BTTT Đảng ủy – Chủ tịch HĐND xã, các đại biểu trong BTV, BCH Đảng bộ xã, TT HĐND, Trưởng các đoàn thể, cán bộ, công chức UBND xã, BGH các nhà trường, trạm y tế, HTX Dịch vụ NN & Điện Năng, Các ông bà bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư, trưởng ban CTMT, Chi hội trưởng NCT trong toàn xã; BQL đình, đền; Ban hộ tự các chùa và đông đảo nhân dân trong và ngoài xã.

Các đồng chí Lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã về dự

Các cụ bô lão già làng
Đền Lời thuộc thôn Lời, xã Vĩnh Lại ( nay là khu 2 xã Vĩnh Lại) thờ Tản Viên Sơn Thánh, một nhân vật lịch sử huyền thoại thời Hùng Vương dựng nước, là con rể Vua Hùng thứ 18, người anh hùng trong cuộc đấu tranh chống thiên tai, chinh phục đồng bằng; là thủ lĩnh tiêu biểu trong cuộc chiến Hùng Thục, được dân gian tôn thờ là “Thượng đẳng tối linh thần” “Đệ nhất phúc thần”, đứng hàng đầu trong Tứ bất tử của người Việt.
Đền Lời được xây dựng vào thời Hậu Lê, thế kỷ thứ XVII, trải qua nhiều lần trùng tu vào thời Nguyễn, đến nay cơ bản bảo lưu được kiến trúc cổ có giá trị về lịch sử, nghệ thuật mang sắc thái của kiến trúc cổ thế kỷ XVIII - XIX. Ngôi đền quay theo hướng Tây Bắc, trước kia kiến trúc theo lối “Nội tam, ngoại quốc”, hiện tòa Tiền tế đã hư hỏng. Mặt bằng kiến trúc hiện nay của đền Lời theo kiểu chữ Nhị, gồm hai tòa: Trung cung và Hậu cung, 3 gian 2 dĩ, kiểu nhà 2 mái, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi cổ kính, khẩu độ giữa các bộ vì kèo hẹp, tạo cho lòng mái khum hình lòng thuyền úp.
Tòa Trung cung có mặt chính diện thông thoáng với 5 khuông cửa bức bàn kiểu thượng song hạ bản, bộ khung gỗ với hệ thống cột gỗ được kê lên đá tảng, bộ vì được kết cấu “Thượng chồng rường - hạ kẻ”, các cấu kiện trên bộ khung gỗ được trạm khắc trang trí họa tiết mây cụm, hoa lá…. Trên các đầu nghé khắc tên các giáp đã tham gia tu sửa đền. Mặt sau Trung cung không làm cửa, để thông thoáng với sân. Nối hai đầu của Trung cung với hậu cung là hai nhà hành lang nhỏ được xây dựng theo kiểu nhà vuông, hai tầng 8 mái, mái lợp ngói âm trên mái, cửa vòm, tạo một không gian rộng rãi, thông thoáng.
Tòa Hậu cung có 3 khuôn cửa bức bàn 4 cánh, bộ khung gỗ có 4 hàng chân cột. Các bộ vì được kết cấu theo lối “Thượng giá chiêng - hạ kẻ” và “ Thượng chồng rường - hạ kẻ”. Gian giữa Hậu cung bưng ván, tạo cửa ngách ngăn vách với các gian bên, xây bệ, bài trí ban thờ, phía trên nóc có ván trần sơn thếp vẽ rồng mây.
Di tích đền Lời bảo lưu hệ thống cổ vật, di vật phong phú về loại hình và chất liệu có giá trị lịch sử, mỹ thuật, nghệ thuật chạm khắc gỗ cổ, tiêu biểu là các cổ vật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII như: Nghi môn gỗ chạm khắc theo đề tài “Tứ quý” và khắc các bài thơ chữ Hán “Đằng Vương Các” của nhà thơ Vương Bột (thời Đường) tả cảnh đẹp của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông theo thể thơ Ngũ môn tứ cú và Thất ngôn tứ cú, với những thú vui tao nhã của người xưa; tài liệu Hán Nôm “Thần tích thôn Lời”; bản sao 26 đạo sắc (bản gốc lưu tại Viện Hán Nôm Hà Nội), trong đó, đạo sắc có niên đại sớm nhất vào triều Lê: “Đức Long ngũ niên - năm 1633” và đạo sắc có niên đại muộn nhất vào triều Nguyễn: “Duy Tân tam niên - năm 1909).
Đền Lời đã được bộ văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2004, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi Đền đã được Đảng bộ và nhân dân xã nhà thường xuyên trùng tu, tôn tạo, nâng cấp để ngôi đền khang trang, bề thế như ngày hôm nay.
Về Lễ tế trước kia có 15 tiệc tế nay để cho phù hợp với điều kiện hiện tại chỉ còn duy trì 2 tiệc tế chính trong năm là lễ tế Xuân ngày 15/2 âm lịch và lễ tế thu ngày 10/8 âm lịch.



Các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã thắp hương tỏ lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên
Để tỏ lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, vào ngày 15/2 (âm lịch) hàng năm xã Vĩnh Lại tổ chức Lễ tế chính, cầu cho mưa thuận gió hòa, đồng ruộng tươi tốt, dân làng yên ấm, nhà nhà an khang thịnh vượng. Việc tổ chức Lễ tế không chỉ đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương; đồng thời, là dịp để các thế hệ tri ân, tưởng nhớ những người có công với nước, với dân, tự hào với truyền thống quê hương, góp phần động viên, khích lệ các tầng lớp Nhân dân trong làng thi đua lao động sản xuất, chung sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.